
Đặt tên cho Blog & chọn tên miền cho Blog là một trong những bước quan trọng đánh dấu sự khởi đầu trực tuyến của bạn.
Khi đã có một ý tưởng chủ đề và ngách có lợi nhuận hoàn hảo, có lẽ cũng đã đến lúc bạn nên nghĩ đến việc triển khai nó bằng tên miền.
Bước này cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng đến quá trình phát triển sau này, đồng thời cũng giúp bạn tránh được các rắc rối với việc chuyển tên miền, thứ vốn rất dễ làm mất thứ hạng trên Google.
Vì vậy mình khuyên bạn nên nghiêm túc chọn tên miền như cách đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Đừng quá hấp tấp mà dẫn đến những sai lầm ngớ ngẩn như bao Blogger khác.
Vâng! Mình cũng góp mặt trong số đó.
Nhưng khá may mắn, vì mình đã kịp thời rút ra kinh nghiệm và sửa chữa trước khi quá muộn.
Bài viết này mình sẽ cung cấp cho bạn một số mẹo chọn tên miền cho Blog một cách hoàn chỉnh để bạn có được một lựa chọn tốt nhất. Quan trọng, sau này khi nhìn lại bạn cũng cảm thấy hối hận với quyết định này.
Được rồi, tiếp tục kéo xuống nào!
Mục lục bài viết
Tại sao chọn tên miền lại quan trọng?
Nghe hơi khó tin nhưng có một sự thật mà sớm muộn bạn cũng phải thừa nhận – tên miền có thể là một tiếng nói cho Blog của bạn. Cụ thể nó sẽ giúp:
- Khán giả hiểu được mục đích của bạn
- Mọi người nhận thấy giá trị họ nhận được
- Mọi người có thể dễ dàng nhớ đến bạn
- Xây dựng niềm tin một cách bền vững và lâu dài với người truy cập.
Rất nhiều bạn không nắm được điều này thường dễ rơi vào tình trạng: chọn tên cho Blog và viết về một thứ gì đó khác hoàn toàn với nó.
Hãy tưởng tượng bạn viết Blog về chủ đề điêu khắc nghệ thuật nhưng bạn có một tên miền đề cập đến chủ đề “cải thiện mất ngủ” thì sẽ như thế nào?
Nó không hợp lý tí nào phải không?
Điều đó cũng khiến cho khán giả của bạn mất lòng tin ngay lần đầu truy cập và bạn đã mất đi hàng tá khách hàng tiềm năng dù cho chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn rất tuyệt.
Hơn hết tên miền cũng là thương hiệu của bạn, khi một ai nhắc đến một Blog trên Internet thì hầu hết họ sẽ liên tưởng đến tên miền của bạn để truy cập vào nó.

Vì vậy chọn tên miền cho Blog là điều mà hầu hết các chủ doanh nghiệp trực tuyến cần chú ý nếu không muốn phạm phải những sai lầm nghiêm trọng.
Cụ thể là sau một thời gian phát triển có thể bạn sẽ cảm thấy tên miền không phù hợp với mục đích và tiến hành chuyển đổi tên miền.
Nghe có vẻ dễ dàng.
Đúng vậy! Về mặt kỹ thuật chuyển tên miền đơn giản đến mức bất kỳ người dùng WordPress đều làm được.
Tuy nhiên ở một khía cạnh khác. Mình đang nói về thứ hạng tìm kiếm thì có thể bạn sẽ gặp một số rắc rối lớn.
Nếu thực hiện không đúng cách, bạn có thể làm mất tất cả thành quả mà bấy lâu nay bạn cố gắng xây dựng.
Khá nhiều độc giả của mình đã từng gặp vấn đề này trước khi họ tới đây, mình hy vọng bạn sẽ không như vậy sau khi bài viết này.
7 công thức đặt tên cho Blog phổ biến nhất
Trên thực tế đặt tên cho Blog và chọn tên miền luôn đi liền với nhau để tạo ra tính đồng nhất.
Ví dụ: Blog của mình tên Nam Cung thì tên miền là namcung.com chứ không phải cachlamdep.com đúng không?
Hoặc một blog có tên “Mẹo giảm cân nhanh” không thể có một tên miền thichnauan.com. Nó chẳng liên quan gì nhau cả.
Vì vậy tên miền và tên blog luôn như hình với bóng trong mọi trường hợp.
Đó là lý do tại sao mình đã gộp cách đặt tên Blog và chọn tên miền thành một bài viết hoàn chỉnh để bạn dễ dàng áp dụng.
Mặc dù một số bạn sẽ thích đặt tên theo ý thích cá nhân, tuy nhiên nếu như bạn muốn phát triển doanh nghiệp của mình một cách bền vững có lẽ bạn nên xem xét những cách mà được hầu hết các Blogger chuyên nghiệp áp dụng.
Rất may mình đã tổng hợp cho bạn 7 cách đặt tên cho Blog phổ biến nhất.
#1: Đặt tên theo lợi ích
Mọi tìm kiếm vào Website hay Blog đều có mục đích nhất định, và hầu hết mọi người muốn tìm lợi ích cho riêng mình.
Vì vậy loại tên miền theo lợi ích nhắm chính xác đối tượng của bạn và giúp họ trả lời câu hỏi:
Blog này có dành cho tôi không?
Khi nhìn vào cái tên họ sẽ cảm nhận thấy giá trị mà bạn đem lại.
Ví dụ một tên miền có tên trimatngu.com
Khi một ai đó bị chứng mất ngủ truy cập thì họ dễ dàng nhận ra website này có thể khắc phục tình trạng mất ngủ hiện tại của họ. Đơn giản vì tên miền đã nói lên tất cả.
Công thức cho bạn:
X + [lợi ích khách hàng nhận]
Thay X bằng các giá trị sau: Cách, mẹo, trị, khắc phục, cải thiện, giúp, giải quyết, tăng, thủ thuật,…
Ví dụ: cachvietbloghay.com, khacphuctuti.com,…
#2: Đặt tên miền theo chủ đề Blog
Với hầu hết những bạn mới làm Blog thường áp dụng công thức này vì sự đơn giản và tận dụng tài nguyên có sẵn từ lúc tìm chủ đề viết Blog.
Ví dụ bạn chọn chủ đề thú cưng cho Blog của mình thì tên miền có thể là: yeuthucung.com, chamsocthucung.com
Một vài công thức cơ bản:
X + [tên chủ đề của bạn]
Thay X bằng: yêu, thích, đam mê, mẹo, kinh nghiệm, hướng dẫn, chia sẻ,…
Hoặc trong một số lĩnh vực giải trí hay du lịch khám phá bạn có thể dùng công thức:
[Tên chủ đề] + thú vị
Ví dụ: phuotthuvi.com, phimthuvi.com,…

Yêu chạy bộ là một Blog sử dụng phương pháp này.
#3. Đặt tên Blog theo đối tượng
Với phương pháp này việc kết nối với đối tượng của bạn sẽ vô cùng hữu ích. Vì họ sẽ nhanh chóng nhận ra nội dung Blog của bạn có thực sự phù hợp với họ.
Cụ thể Blog của bạn nói với khách truy cập như thế này:
Này! Chúng ta đang cùng một con đường vì vậy hãy chọn tôi.
Chẳng hạn như một Blog có tên tienganhsinhvien.com thì chắc chắn khi là một sinh viên có nhu cầu học tiếng anh bạn sẽ thấy nó thích hợp để bạn lựa chọn tìm hiểu và mua các khóa học trên đó.
Hoặc một Website giamcansausinh.com sẽ đề cập đến đối tượng các bà mẹ vừa mới sinh con và muốn cải thiện lại vóc dáng cơ thể của mình.
Công thức:
Chủ đề + Đối tượng mục tiêu
Lợi ích + Đối tượng mục tiêu
Ví dụ khi nhắc về Problogger bạn sẽ nghĩ ngay Blog này đề cập đến những hướng dẫn giúp bạn trở thành một Blogger chuyên nghiệp.

#4. Đặt tên Blog theo tên bạn
Với nhiều Blogger (bao gồm cả mình) thường lựa chọn theo cách đặt tên cá nhân, điều này rất tốt để xây dựng thương hiệu cá nhân.
Nó cũng giúp bạn trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực của bạn nếu bạn chăm chỉ.
Ưu điểm của loại này là bạn có thể viết bất kỳ chủ đề nào trên tên miền của mình, dù bạn có muốn thay đổi chủ đề thì cũng không có gì ảnh hưởng.
Tuy nhiên khi đặt tên Blog theo cá nhân thì bạn sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng niềm tin với khán giả hơn. Đơn giản vì ban đầu chẳng ai biết bạn là ai, và chẳng có lý do nào để họ tin bạn, phải không?
Chưa kể khi phát triển theo tên cá nhân bạn sẽ không bao giờ bán được Blog của mình cho người khác và nó sẽ theo bạn suốt cuộc đời miễn là nó còn hoạt động.
Cho dù có ai đó mua thì Blog của bạn sẽ trở nên vô nghĩa, đơn giản vì mọi thứ chỉ gắn bó với bạn.
Nhưng một khi bạn đã có tên tuổi trong lĩnh vực của Blog thì cơ hội kiếm tiền của bạn sẽ lớn hơn bất kỳ loại tên miền trên.
Ví dụ: Bạn có thể không biết NeilPatel là ai nhưng một khi bạn tìm hiểu về Digital Marketing chắc chắn bạn sẽ biết tới anh ta là một chuyên gia tiếp thị nổi tiếng.
Hoặc đơn giản như khi lần đầu bạn truy cập Blog này, bạn sẽ chẳng biết Nam Cung là ai cho đến khi bạn muốn tìm một công việc tự do bằng cách phát triển doanh nghiệp trực tuyến với Blog.
Tên miền cá nhân không có công thức cụ thể nào, nó linh hoạt ở bạn.
[Tencuaban.com]
Một số người lấy ngay tên của chính mình nhưng một số lại kết hợp tên + họ, hoặc một số lại kết hợp tên với một thứ gì đó thật độc đáo.
NamDenRoi.Com là một dạng nên miền cá nhân nhưng có phần độc đáo.
#5. Đặt tên theo viết tắt (không khuyến khích lắm)
Tên viết tắt rất lý tưởng để bạn thực hiện tham vọng trở thành một thương hiệu lớn.
Về cơ bản khi sử dụng phương pháp này bạn sẽ tạo ra một cái tên vô cùng đặc biệt bằng cách lấy các chữ cái đầu tiên của những từ có ý nghĩa thực sự.
Một số thương hiệu lớn đã áp dụng cách này bằng cách kết hợp các chữ viết tắt để tạo ra một cái tên hoàn toàn mới như IBM (viết tắt của International Business Machines).
Ngoài ra, thay vì một cái tên dài như Bavarian Motor Works thì hãng xe nổi tiếng thế giới sẽ lấy BMW cho tên của mình.

Mặc dù tên miền viết tắt sẽ làm cho nó trở nên ngắn gọn, tuy nhiên nó lại không thể hiện ý nghĩa nếu như nhìn từ bên ngoài. Chỉ những người sở hữu hoặc đặc biệt quan tâm mới thực sự hiểu được.
Với một số người khi lần đầu nghe thấy, mình tin ít nhiều họ sẽ có cảm giác nghi ngờ bạn, vì vậy mình khuyên bạn nên cân nhắc nếu quyết định đặt tên cho Blog dạng này.
#6. Sử dụng từ đồng nghĩa
Không phải lúc nào cũng phải cố chấp theo đuổi một từ khóa chủ đề nhất định. Nó có thể khá hạn hẹp và gò bó.
Đó là lý do tại sao bạn nên cân nhắc sử dụng từ đồng nghĩa cho tên Blog của mình. Điều này được phần lớn các độc giả của mình thường xuyên áp dụng để xây dựng doanh nghiệp trực tuyến của họ.
Lý do vì từ đồng nghĩa giúp mở rộng ý tưởng của bạn so với từ khóa gốc nhưng về ý nghĩa nó không quá khác biệt, do đó bạn sẽ có vô vàn lựa chọn để đặt tên cho Blog.
Ví dụ: Thay vì đặt tên cho Blog là kinhnghiemphuot.com (kinh nghiệm phượt) thì bạn có thể biến nó thành meophuot.com (mẹo phượt).
Và thấy đấy, lúc này tên Blog của bạn sẽ ngắn hơn để mọi người dễ dàng nhớ tới và ý nghĩa cũng không thay đổi, phải không?
Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng goiyphuot.com, loikhuyenphuot.com,..
Nếu bạn cần nhiều gợi ý từ đồng nghĩa hãy dùng công cụ thesaurus gõ từ bạn cần tìm để nhận được các gợi ý tốt nhất. Tuy nhiên công cụ này chỉ hỗ trợ tiếng anh vì vậy có thể dùng Google dịch để chuyển đổi.

#7. Sử dụng ngôn ngữ khác kết hợp với từ khóa chủ đề
Trường hợp bạn muốn cái gì đó mới mẻ so với ngôn ngữ của mình, lúc này bạn nên nghĩ đến việc sử dụng một ngôn ngữ nước ngoài để đặt tên cho Blog của mình.
Ví dụ mình lấy từ “bầu trời” và chuyển nó sang tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là cielo, về cơ bản nó chưa nói lên được điều gì.

Tuy nhiên khi kết hợp với một từ khóa chủ đề là cieloDigital.com mình sẽ có ngay một thương hiệu quốc tế vô cùng đẹp mắt và dễ nhớ đề cập đến khía cạnh tiếp thị kỹ thuật số.
Tiếp tục lần nữa Google dịch sẽ hỗ trợ bạn trong việc chuyển đổi ngôn ngữ trong trường hợp bạn không hiểu.
8 sai lầm cần tránh trong lúc chọn tên miền
Khi đã có một tên Blog bạn cảm thấy hài lòng, có lẽ bạn đã đến bước chọn tên miền cho Blog của mình.
Tuy nhiên rất nhiều bạn thường gặp những sai lầm chết người ở bước này, nó thường là nguyên nhân của việc bí ý tưởng hoặc Blog không thể phát triển. Và dẫn đến việc chuyển tên miền.
Nhưng bạn tin mình đi, chuyển tên miền không dễ như cách bạn đọc nó. Những chuyên gia Marketing hoặc thiết kế web cũng phải e dè với kỹ thuật này.
Vì vậy, nếu như bạn muốn có một tên miền để bạn không thấy hối hận và để có nhiều không gian rộng rãi cho bạn phát triển lâu dài thì cần tránh các vấn đề dưới đây:
#1. Quên bỏ qua ưu tiên .com
Mặc dù trong không gian internet có hàng trăm phần mở rộng tên miền khác nhau để hạn chế tình trạng trùng ý tưởng và để có nhiều lựa chọn cho người dùng. Nó có thể là .vn .net .org .edu,..
Tuy nhiên khi phát triển doanh nghiệp trực tuyến từ Blog mình khuyên bạn nên ưu tiên .com lên hàng đầu.
Tại sao?
Từ lâu nay tên miền có đuôi .com đã quá phổ biến & trở nên quen thuộc với mọi người dùng Internet. Khi bạn nghĩ đến tên một Website nào đó bạn thường có xu hướng nghĩ ngay đến .com đúng chứ?

Ví dụ khi bạn lướt web và thấy một Website hay ho có tên thichdulich thì khi lần sau truy cập bạn không nhất thiết phải nhớ phần sau của nó mà mặc định bạn sẽ thêm đuôi .com theo sau nó.
Hơn nữa tên miền .com có mức giá khả rẻ so với nhiều loại tên miền khác, trên Namecheap phần mở rộng .com chỉ có giá khoảng 8-$12. Nó coi là một mẹo để tiết kiệm ngân sách khi vận hành Blog của bạn.
#2. Giữ cho tên miền của bạn ngắn
Các tên miền ngắn giúp mọi người dễ dàng nhớ đến bạn hơn dù ngay cả khi lần đầu ghé thăm Blog của bạn. Hãy tưởng tượng xem bạn có một tên miền như thế này: cachvietblogchuyennghiep.com.
Thoạt nhìn nó thể hiện đầy đủ ý nghĩa để mọi người nhận ra Blog này đề cập đến nội dung giúp mọi người trở thành một Blogger chuyên nghiệp.
Tuy nhiên với một số người mới, tên miền như vậy có phần quá dài dòng và không đủ ngắn để lưu vào bộ não của họ.
Giờ thì hãy thử cái tên khác xem: meovietblog.com
Tuyệt vời!
Tên miền đã trở nên gọn gàng hơn nhưng ý nghĩa cũng không quá khác biệt vì nó cũng nói về kỹ năng viết Blog, thậm chí nó còn giúp bạn khai thác nhiều chủ đề hơn.
Vì vậy khi chọn tên miền hãy cố gắng giữ cho nó ngắn, thông thường mình khuyên các độc giả của mình nên làm cho nó ở khoảng 6-20 ký tự.
Quá ngắn cũng không thực sự tốt vì nó chẳng nói lên được ý nghĩa, quá dài thì bạn biết rồi đấy – nó trở nên rối mắt và khó nhớ với mọi người.
#3. Làm cho tên miền dễ đọc
Một trong những điều khiến khách truy cập nhớ đến bạn là cách họ sẽ phát âm tên miền. Hầu hết ai cũng đọc tên miền (ít nhất là trong trong suy nghĩ) mỗi lần truy cập, phải không?
Điều này giúp họ dễ dàng ghi nhớ hơn và dễ dàng chia sẻ bằng cách truyền miệng hơn.
Được rồi, hãy lấy ví dụ về thegioididong.com.
Chỉ cần nhìn qua lần đầu thôi bạn cũng thấy nó dễ đọc thế nào khi họ kết hợp từ thế giới (để chỉ ra đó là một nơi vô cùng rộng lớn) và di động (thiết bị đã quen thuộc với hầu hết mọi người).
Vì vậy khi người xung quanh có nhu cầu mua điện thoại bạn thường sẽ đề cập đến thế giới di động hơn bất kỳ cửa hàng hoặc thương hiệu nào khác.
Rõ ràng một tên miền dễ đọc cũng là một phương pháp truyền miệng hữu ích với thương hiệu của bạn.
#4. Tên miền phải dễ nhập
Hãy cố gắng tránh các chữ cái lặp lại từ 2 lần liên tiếp, điều này đôi làm mọi người dễ gây nhầm lẫn khi nhập vào thanh địa chỉ.
Ví dụ: dulichhay.com [2 chữ h liên tiếp rất dễ gây nhiễu loạn]
Tất nhiên không nhất thiết lúc nào bạn cũng phải tránh sai lầm này nhưng hãy làm sao để mọi người dễ dàng gõ nó vào thanh địa chỉ trình duyệt mà không bị nhầm lấn đến một Website khác và đôi khi đó là đối thủ của bạn.
Đặc biệt với tiếng việt, khi dùng kiểu gõ telex đôi khi rất dễ xảy ra tình trạng sai.
Ví dụ như một tên miền Yeuxethethao.com thì khi nhập bằng kiểu gõ telex nó sẽ ra yễu khi bạn gõ đến chữ xe.
Mặc dù không quá quan trọng nhưng đôi khi nó cũng làm một số người khó chịu, đặc biệt là những đứa khó tính như mình
#5. Dùng dấu gạch nối
Mặc dù quy định đặt tên miền không cấm dùng dấu gạch nối ngăn cách các từ, tuy nhiên mình khuyên bạn tuyệt đối không được làm như vậy.
Thứ nhất trông nó trở nên dài và không liền mạch, nhìn vào bạn sẽ thấy kém tin tưởng ngay lập tức.
Thứ hai nó khó nhập bởi một số người dùng máy tính hay điện thoại việc tìm dấu gạch có thể sẽ mất thời gian.
Cuối cùng tên miền chứa dấu gạch nối không tốt cho SEO, trong khi SEO thường là kênh quảng bá chính của hầu hết các Blog trực tuyến.
Hãy nhìn xem một tên miền hoc-tienganhtot.com, bạn nhận thấy điều gì?
Nó đứt đoạn và kém liền mạch, phải không?
Mình chưa kể đôi khi bạn còn mất thời gian mò trên bàn phím dấu (-) nữa.
Thay vào đó một têm miền caithientienganh.com sẽ trông chuyên nghiệp và dễ dàng gõ vào thanh địa chỉ trình duyệt.
#6: Sử dụng số
Tương tự như dấu gạch ngang, sử dụng số trong tên miền trông nó khó nhìn và kém chuyên nghiệp. Hơn nữa số cũng không thể hiện được nhiều ý nghĩa đến mức bạn cần dùng nó.
Ví dụ giamcannhanh9.com số 9 cảm thấy dư thừa và ko đem lại ý nghĩa cụ thể.
Hoặc 100meonauan.com thì chẳng khác nào nói rằng Blog này chỉ có 100 mẹo nấu ăn, trong khi người dùng trực tuyến thường khá tham lam, họ cần nhiều lựa chọn thông tin hơn.
Thay vào đó goiynauanngon.com sẽ tốt hơn rất nhiều.
#7: Sử dụng tên miền con Subdomain
Mình biết một số bạn không muốn chi trả cho tên miền và máy chủ Web và chọn hướng miễn phí. Tất nhiên miễn phí cũng có giá của nó bằng cách làm cho bạn phụ thuộc vào tên miền chính của họ.
Ví dụ khi dùng WordPress.Com tạo Blog thì nócó dạng tencuarban.wordpress.com hoặc Blogger của google thì có dạng tencuaban.blogspot.com hoặc wix sẽ là tencuaban.wix.com.
Về cơ bản những tên miền này chỉ giúp bạn tập tành tìm hiểu về Web còn được, chứ nếu để nói kinh doanh hay kiếm tiền Online thì hoàn toàn không khả thi tí nào.
Vì vậy, khi đã quyết định viết Blog kiếm tiền thì hãy chắc chắn bạn sẵn sàng đầu tư tên miền riêng và Web Hosting để tự chủ Blog của mình.
#8. Đặt tên miền nhái theo thương hiệu nổi tiếng
Hầu hết các Blogger mới thường bị ám ảnh bởi những thương hiệu nổi tiếng vì vậy mà họ mong muốn tên miền của mình cũng ngầu tương tự.
Nếu bạn đang có ý tưởng như trên thì hãy cảm thấy may mắn khi bạn ở đây.
Vì đặt tên miền theo thương hiệu có lẽ sẽ dẫn đến những hậu quả về mặt pháp lý. Và bạn cũng biết nó sẽ phức tạp như thế nào rồi đấy!
Đơn giản như WordPress, khi bạn đặt một tên miền có từ này bạn sẽ coi là vi phạm thương hiệu, như hocwordpress.com, tipswordpress.net,…
Thay vào đó bạn có thể dùng WP thay thế: hocwp,com.
Vì vậy tốt nhất đừng có nhái theo các thương hiệu nổi tiếng có khi bạn sẽ phải ra tòa bởi nó đấy.
Ví dụ thực tế về kinh nghiệm chọn tên miền cho Blog
Bây giờ có lẽ bạn đã biết được các cạm bẫy cần tránh khi chọn tên miền cho Blog. Tuy nhiên nếu như bạn đang cần một hướng dẫn thực tế hơn có lẽ phần dưới đây bạn sẽ thích.
Cá nhân mình do mắc khá nhiều sai lầm về chọn tên miền nên tích lũy được không ít kinh nghiệm. Vì vậy mình đã rút ra được bài học là chọn tên miền bằng cách hoàn thành 3 câu hỏi dưới đây.
- Chủ đề/ ngách: Lĩnh vực mà bạn muốn viết hoặc ngách bạn muốn tập trung là gì?
- Mục tiêu: Bạn sẽ giúp mọi người đạt được gì khi theo dõi Blog của bạn?
- Đối tượng: Ai sẽ là người quan tâm đến nội dung bạn viết?
Dùng câu trả lời của bạn kết hợp với các công thức đặt tên cho Blog và tránh 8 sai lầm bạn sẽ tìm thấy khá nhiều ý tưởng tên miền tốt.
Hãy thử nghiệm với 2 case study dưới đây xem sao.
#Case Study 1: Chọn tên miền cho Blog tài chính
Mình thích tài chính vì nó liên quan đến tiền.
Nó cũng được coi là một ngách tiềm năng để bạn phát triển một doanh nghiệp trực tuyến. Đơn giản vì ai cũng cần tiền để sống, phải không?
Bây giờ mình đã có một số ý tưởng:
- Chủ đề/ ngách: Tài chính/Quản lý tiền bạc
- Mục tiêu: Giúp nhiều người cải thiện thu nhập, nhiều nhiều tiền để có một cuộc sống tốt hơn.
- Đối tượng: Sinh viên và những người trong độ tuổi lao động
Áp dụng công thức đặt tên Blog bạn sẽ có một số gợi ý tên miền.
Đầu tiên mình rất thích tính cá nhân hóa, vì vậy mình quyết định dùng tên bản thân đặt tên cho Blog tài chính của mình namcung.com. Nó thật đơn giản.
Nếu không thích dùng tên cá nhân, bạn có thể xem xét thêm lựa chọn đặt tên Blog theo chủ đề. Đại loại như quanlytaichinh.com, kinhnghiemtaichinh.com, meotaichinh.com.
Trong trường hợp mình chỉ muốn tập trung nội dung cho đối tượng sinh viên hoặc cho đối tượng nữ thì nó có thể là: sinhvienvstaichinh.com, taichinhphunu.com.
Còn nếu mình muốn viết Blog về hướng dẫn cách kiếm tiền thì có thể áp dụng công thức đặt tên theo lợi ích: caithienthunhap.com, goiykiemtien.com.
Khá đơn giản, phải không?
Mọi thứ đều thể hiện chính xác mục tiêu về lĩnh vực tài chính với lợi ích & đối tượng phù hợp.
#Case Study 2: Chọn tên miền cho Blog nấu ăn
Mình rất thích ăn uống và mình nghĩ bạn cũng vậy.
Hơn nữa chủ đề nấu ăn cũng khá thú vị và không bao giờ có xu hướng giảm. Vậy nên nếu như bạn có định viết Blog về lĩnh vực nấu ăn hay ẩm thực thì có khả năng bạn sẽ tìm được món hời trong phần này.
Tương tự như trên, chúng ta có một số ý tưởng về chủ đề này:
- Chủ đề/ ngách: Nấu ăn/Món Âu -Á, món chay,…
- Mục tiêu: Hướng dẫn mọi người nấu ăn ngon
- Đối tượng: Hầu hết mọi người
Chà! Mình cảm thấy thật tự hào khi những số liệu này giúp bạn triển khai các ý tưởng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.
Rap công thức đặt tên cho Blog bạn sẽ phát hiện nhiều khá nhiều tên miền hay.
Đặt tên theo tên cá nhân thì mình không cần nói thêm.
Hãy nói về từ đồng nghĩa, nấu ăn có một số từ liên quan mật thiết là thực phẩm, ẩm thực, chế biến, đầu bếp.
Và chúng ta có một số kết quả: Chebienmonngon.com, không tệ lắm mặc dù đã rơi vào trường hợp 2 chữ lặp lại.
Còn đầu bếp thì sao?
Mình thích ghép nó với từ “vua” sẽ có vuadaubep.com – ý nghĩa của nó quá tuyệt.
Mọi người thấy tên miền này có cảm giác như họ sẽ được đào tạo bởi một đầu bếp nổi tiếng hoặc họ sẽ nghĩ rằng Blog này sẽ giúp họ trở thành một vua đầu bếp.
Dù suy nghĩ của họ có theo hướng nào nào đi nữa thì nó cũng bao hàm các nội dung trong lĩnh vực nấu ăn bên trong.
Ngoài ý tưởng về từ “Vua” bạn cũng có thể thay thế bằng “Hoàng đế” hay Nữ Hoàng kết hợp với từ khóa chủ đề để trông nó trở nên quyền lực hơn. Ví dụ: hoangdemonau.com, nuhoangnauan.com.
Kiểm tra tính khả dụng của tên miền
Khi bạn đã có một số tên miền ưng ý, thì đã tới lúc bạn xem xét nó có thể hoạt động với Blog của bạn. Lý do vì có thể một số người có cùng ý tưởng đã đăng ký trước bạn,.
Mình thường dùng công cụ Instant Domain Search để kiểm tra tính khả dụng của tên miền, trong trường hợp bạn thấy kết quả màu xanh chứng tỏ bạn có thể đăng ký và xây dựng Website của bạn.

Tuy nhiên nếu như màu đỏ thì đã có người nhanh tay hơn bạn.
Đừng vội nản lòng.
Bạn có thể chọn phần mở rộng khác thay vì .com, mình thường ưu tiên lần lượt theo các đuôi .net, .org, .vn, .me.
Nếu vẫn tiếp tục trùng thì có thể quay lại các công thức trên và tìm một tên miền mới. Mình chắc chắn bạn sẽ có tìm được một tên miền phù hợp để bắt đầu doanh nghiệp của mình.
Làm thế nào để đăng ký tên miền?
Giông bão đã đi qua!
Ý mình là, bạn không còn động não để đặt tên Blog hay tìm tên miền nữa.
Tiếp đến chúng ta chỉ cần đăng ký tên miền để lấy quyền sở hữu nó. Thông thường có 2 cách để bạn đăng ký tên miền.
Lấy tên miền khi mua Hosting
Cách này thường được những bạn ngại tìm hiểu về kỹ thuật lựa chọn. Khi mua Hosting từ một nhà cung cấp họ sẽ kèm theo tùy chọn đăng ký thêm tên miền. Trong đó mình thường đề xuất 2 nhà cung cấp:
Hawkhost: Đây là một trong những đơn vị cung cấp máy chủ Web được rất nhiều người Việt Nam lựa chọn bởi chi phí rẻ, hiệu suất ổn định, thời gian tải nhanh.
A2Hosting: Nơi cung cấp dịch vụ Shared Hosting hàng đầu trong phân khúc, mặc dù mức giá có phần đắt hơn Hawkhost nhưng chất lượng lại tốt hơn và được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến hơn.
Ngoài ra, một số nhà cung cấp còn có chính sách tặng kèm tên miền khi mua Hosting giúp bạn tiết kiệm được không ít chi phí khi tạo Blog.
Điển hình như DreamHost, HostGator.
Các công ty đăng ký tên miền tốt nhất
Nếu bạn không thích mua chung Hosting và Domain cùng một nhà cung cấp thì bạn có thể chọn mua tên miền từ một bên cung cấp thứ 3 sau đó kết nối lại với Hosting.
Thật ra mình vẫn khuyến khích bạn nên chọn hướng này vì sẽ giảm được sự phù thuộc vào 1 nhà cung cấp.
Hơn nữa nó cũng giúp bạn tiếp xúc được với những kỹ thuật cơ bản của một người làm việc trên Internet.
Có khá nhiều nhà cung cấp tên miền, tuy nhiên nếu nói tốt nhất thì chỉ có 3:
Godaddy: Công ty cung cấp tên miền quốc tế lớn nhất thế giới với hơn 50 triệu tên miền được lưu trữ. Họ hoạt động trên hầu hết các quốc gia và có cả Tiếng Việt. Vậy nên việc sử dụng và hỗ trợ sẽ dễ dàng hơn nếu như bạn không giỏi ngoại ngữ.
Namecheap: Đây là nhà cung cấp tên miền phổ biến thứ 2 thế giới (xếp sau Godaddy). Cá nhân mình đang dùng Namecheap vì mình thích nó ở chỗ giá rẻ, có nhiều chính sách ưu đãi. Được kèm theo tính năng bảo mật WhoisGuard miễn phí.
Tên miền .com ở đây thường chỉ khoảng $8.88 cho năm đầu tiên và khoảng $13 cho mỗi lần gia hạn.
NameSilo: Được rất nhiều người đón nhận vì mức giá rẻ, nhiều ưu đãi và được tặng WhoisGuard miễn phí.Là một Blogger từng trải qua không ít khó khăn, bao gồm cả việc lựa chọn sai tên miền và chuyển tên miền và gặp sự cố. Mình tin rằng đặt tên cho Blog và chọn tên miền Blog là nhiệm vụ vô cùng cần thiết cho doanh nghiệp trực tuyến của bạn.
Nó sẽ giúp bạn xác định được mục tiêu của mình, đối tượng cần phục vụ, tạo được sự tín nhiệm với độc giả và quan trọng nó còn giúp bạn xây dựng thương hiệu một cách bền vững.
Mình hy vọng khi đọc đến đây bạn đã chọn được một tên miền hoàn hảo cho Blog của mình. Và đừng quên đăng ký ngay lập tức trước khi người khác dành trước bạn.
Được rồi!
Bạn vừa đọc xong một hướng dẫn hàng đầu về cách chọn tên miền Blog với hơn 5000 từ. Mình nghĩ nó rất xứng đáng để bạn có được một kết quả tốt.
Bây giờ có lẽ đã đến lúc bạn nên mua một Hosting chất lượng trước khi cài đặt Blog WordPress và triển khai ý tưởng kiếm tiền của bạn lên Internet.
Mình cũng rất muốn nghe ý kiến của bạn về bài viết này trong comment bên dưới!
Top 2 HOTSTING THIẾT KẾ TRANG WEBSITE TỐT NHẤT MÌNH ĐANG SỬ DỤNG
Top 1 Hostinger: XEM TẠI ĐÂY, Xem video này làm theo nếu bạn chọn mua hostinger(khuyên dùng #1) MÃ GIẢM GIÁ SINHGIANG
Top 2: : HostArmada: XEM TẠI ĐÂY