

Khi nói đến kiếm tiền từ mạng xã hội, YouTube có thể là nền tảng chất lượng nhất tới thời điểm này khi cho phép bạn bật kiếm tiền.
Vì vậy có lẽ không ít bạn muốn dấn thân vào mảng này, tuy nhiên nhìn lại thì bạn cảm thấy thiếu nhiều thứ: bản lĩnh đứng trước máy quay, máy quay chất lượng, kỹ năng edit, thời gian.
Và bạn tự hỏi có cách nào làm YouTube mà không cần quay video nhưng vẫn có cơ hội kiếm tiền?
Có! Như hôm trước mình đã đề cập đến một số ý tưởng làm YouTube không cần lộ mặt thì khi bạn phân tích sâu hơn sẽ lọc ra được những cách làm YouTube không cần quay video.
Cụ thể là những cách gì thì bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn ngay dưới đây.
Tại sao bạn nên cân nhắc làm YouTube không cần quay video?
Không sợ bị đánh giá
Một trong những rào cản lớn nhất ngăn cản nhiều bạn đến với YouTube chính là sợ bị đánh giá từ xã hội.
Đó có thể là lời dèm pha về ngoại hình, giọng nói, cách diễn đạt, thậm chí là những bình luận tiêu cực từ người xem.
Nhưng nếu như bạn làm YouTube không cần quay video thì bạn không phải chạm mặt với những áp lực này, từ đó cho phép bạn tập trung hoàn toàn vào việc truyền tải nội dung giá trị và xây dựng kết nối với khán giả thông qua chính chất xám của mình.
Tiết kiệm thời gian, công sức

Quay và chỉnh sửa video là một quá trình tốn thời gian và công sức.
Bạn cần đầu tư vào thiết bị, học cách sử dụng chúng, lên kế hoạch quay phim, viết kịch bản, chỉnh sửa, lồng tiếng, thêm hiệu ứng,…Đây dường như là công việc cả một ekip làm phim chứ không đơn giản.
Với phương pháp làm YouTube không cần quay video, bạn có thể bỏ qua nhiều khâu trong đó và tập trung vào việc sáng tạo nội dung. Điều này đặc biệt hữu ích cho ai thích làm solo như mình, không có nhiều thời gian rảnh hoặc đơn giản là muốn làm việc hiệu quả hơn.
Làm được nhiều thể loại và lĩnh vực
Một thế mạnh khác của làm YouTube không cần quay video là bạn có thể làm được nhiều thể loại, nhiều lĩnh vực khác nhau
Sự linh hoạt này cho phép bạn tự do thể hiện cá tính và sáng tạo của mình, đồng thời thu hút một lượng khán giả rất đa dạng.
Các hình thức làm YouTube không cần quay video
1. Animation/Motion Graphics

Animation (hoạt hình) và Motion Graphics (đồ họa chuyển động) là hai công cụ mạnh mẽ để truyền tải thông tin một cách trực quan và sinh động.
Những kênh Youtube dạng này có tốc độ tăng trưởng và cơ hội kiếm tiền khá tốt vì thường được đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng nội dung lẫn yếu tố thị giác.
Bạn có thể sử dụng các phần mềm như Adobe After Effects, Blender, hoặc các công cụ trực tuyến đơn giản hơn để tạo ra các video hoạt hình 2D, 3D, hoặc các đoạn phim đồ họa chuyển động.
- Ưu điểm: Thu hút sự chú ý, dễ dàng giải thích các khái niệm phức tạp, thể hiện sự sáng tạo không giới hạn.
- Nhược điểm: Đòi hỏi kỹ năng thiết kế hoặc chi phí thuê freelancer.
- Phù hợp với: Nội dung giáo dục, giải thích quy trình, kể chuyện, chia sẻ kiến thức.

Một vài kênh YouTube có thể tham khảo:
- Kurzgesagt – In a Nutshell: Giải thích các chủ đề khoa học phức tạp bằng hoạt hình đơn giản nhưng đẹp mắt
- Brightside (soi sáng): Kết hợp giữa anmation và motion graphics để chia sẻ kiến thức về khoa học, lịch sử, địa lý.
- TED-Ed: Cung cấp các bài học giáo dục ngắn gọn và hấp dẫn bằng hoạt hình
2. Slideshow với giọng thuyết minh
Đây là một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất để tạo nội dung YouTube mà không cần quay video.
Bạn chỉ cần chuẩn bị một bộ slide trình bày với các hình ảnh, văn bản, biểu đồ,… sau đó thu âm giọng nói của mình để giải thích, bình luận hoặc kể chuyện. Thêm một chút âm nhạc phù hợp để tăng tính hấp dẫn cho video.
- Ưu điểm: Dễ thực hiện, không cần kỹ năng đặc biệt, chi phí thấp, phù hợp với nhiều chủ đề.
- Nhược điểm: Có thể gây nhàm chán nếu không được thiết kế và trình bày tốt.
- Phù hợp với: Giới thiệu, thuyết trình, hướng dẫn, kể chuyện, chia sẻ kinh nghiệm,…

Một vài kênh YouTube có thể tham khảo:
- Web5ngay: Chia sẻ kiến thức về phát triển bản thân và kinh doanh dưới dạng video vẽ tay.
- Kiến thức thú vị: Cũng là video vẽ tay nhưng chia sẻ về nhiều vấn đề từ tin tức, văn hóa, chính trị, kinh tế,…
3. Screencast (quay màn hình)

Screencast, hay còn gọi là quay màn hình, là một cách hiệu quả để chia sẻ kiến thức và kỹ năng chuyên môn của bạn với thế giới.
Bạn có thể ghi lại các thao tác trên màn hình máy tính của mình, từ việc hướng dẫn sử dụng phần mềm, chơi game, thiết kế đồ họa, lập trình, cho đến bất kỳ hoạt động nào khác mà bạn muốn chia sẻ.
- Ưu điểm: Trực quan, dễ hiểu, chi phí thấp, dễ dàng chỉnh sửa và thêm hiệu ứng.
- Nhược điểm: Đòi hỏi giọng nói rõ ràng, mạch lạc và kỹ năng trình bày tốt.
- Phù hợp với: Hướng dẫn sử dụng phần mềm, chia sẻ mẹo và thủ thuật, đánh giá công nghệ, dạy học Online.

Một vài kênh YouTube có thể tham khảo:
- Bro code: Dạy lập trình lập trình thông qua các video screencast thú vị và dễ hiểu
- Webon: Chia sẻ kinh nghiệm thiết kế bằng Canva.
- Lucky: Một kênh Youtube Việt Nam chia sẻ rất nhiều hướng dẫn về tự học thiết kế đồ họa và làm video.
4. Podcast – kể chuyện

Podcast là một hình thức nội dung âm thanh đang ngày càng phổ biến trên YouTube. Bạn có thể kể chuyện, hoặc chia sẻ suy nghĩ và quan điểm của mình chỉ bằng giọng nói.
Để tăng tính hấp dẫn, bạn có thể thêm vào một số hình ảnh tĩnh hoặc chuyển động đơn giản với các hiệu ứng âm thanh.
- Ưu điểm: Tiện lợi, dễ sản xuất, tập trung vào nội dung và giọng nói, phù hợp với nhiều chủ đề.
- Nhược điểm: Ít trực quan hơn so với video truyền thống, đòi hỏi kỹ năng thu âm và biên tập âm thanh tốt.
- Phù hợp với: Phỏng vấn, thảo luận, kể chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, học ngoại ngữ, phát triển bản thân,…

Một vài kênh YouTube có thể tham khảo:
- The Minimalists: Sử dụng video âm thanh để truyền tải thông điệp về lối sống tối giản.
- Hieu Nguyen (Hieutv): Chia sẻ kiến thức về đầu tư và quản lý tài chính cá nhân.
- Better Version: Chia sẻ kiến thức phát triển bản thân thông qua những cuốn sách hay.
- Tiểu Thuyết Radio: Đọc các câu chuyện, tác phẩm văn học việt Nam.
5. Làm video dạng tổng hợp

Nếu bạn yêu thích việc tìm hiểu, phân tích và chia sẻ thông tin, làm video dạng tổng hợp là một lựa chọn đáng để thử.
Bạn có thể xây dựng ra các kịch bản nội dung hấp dẫn, thu thập video thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó sắp xếp, biên tập và trình bày chúng một cách logic và hấp dẫn.
Thêm vào đó, hình ảnh, âm nhạc và hiệu ứng âm thanh phù hợp sẽ giúp video của bạn trở nên sinh động và thu hút hơn.
- Ưu điểm: Cung cấp thông tin hữu ích, đa dạng, dễ tiếp cận.
- Nhược điểm: Đòi hỏi kỹ năng tìm kiếm, chọn lọc và xử lý thông tin, cần đảm bảo tính chính xác và khách quan
- Phù hợp với: Lịch sử, địa lý, tin tức, khoa học, công nghệ, văn hóa, giải trí,…
Một vài kênh YouTube có thể tham khảo:
- Kính lúp TV: Tổng hợp các kiến thức về thiên nhiên, con người, điều bí ẩn,..
- Vox: Phân tích các vấn đề xã hội và chính trị một cách sâu sắc và khách quan
- Những vấn đề địa lý: Tổng hợp các kiến thức liên quan đến địa lý.
6. Làm YouTube bán content (tổng hợp và biên tập lại video)

Đây là một hình thức làm YouTube khá phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí.
Bạn có thể thu thập các video ngắn từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó biên tập, sắp xếp và thêm vào các yếu tố như nhạc nền, hiệu ứng âm thanh, thuyết minh,… để tạo ra một sản phẩm mới mang dấu ấn riêng của bạn.
- Ưu điểm: Tiết kiệm thời gian sản xuất, tận dụng nội dung có sẵn, dễ dàng thu hút lượt xem nếu biết cách chọn lọc và biên tập.
- Nhược điểm: Ranh giới mong manh giữa reup và sáng tạo, có thể gặp vấn đề về bản quyền, cần có kỹ năng edit tốt.
- Phù hợp với: Video tổng hợp các khoảnh khắc hài hước, video về động vật, thiên nhiên, âm nhạc,…
Lưu ý: Khi làm YouTube bán content, bạn cần đặc biệt chú ý đến vấn đề bản quyền. Tốt nhất nên xin phép tác giả thay vì đụng đâu tải đó.
Đồng thời, cố gắng thêm vào giá trị sáng tạo của riêng bạn thông qua cách edit, lựa chọn nhạc nền, hiệu ứng, thêm giọng đọc để tránh vi phạm bản quyền và tạo ra nội dung cuốn hút hơn.
7. Video bằng AI
Sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra một cánh cửa mới cho những người muốn làm YouTube mà không cần quay video.
Hiện nay, có rất nhiều công cụ và phần mềm AI cho phép bạn tạo ra các video chất lượng cao chỉ bằng văn bản hoặc giọng nói. Bạn có thể sử dụng AI để tạo hình ảnh, chuyển động, giọng nói, thậm chí là cả kịch bản và ý tưởng cho video của bạn.
- Ưu điểm: Tiết kiệm thời gian và công sức, không cần kỹ năng đặc biệt, tạo ra nội dung độc đáo và ấn tượng.
- Nhược điểm: Có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và tính chân thực của nội dung, cần lựa chọn công cụ phù hợp và học cách sử dụng chúng.
- Phù hợp với: Tạo video giải thích, chia sẻ kiến thức, thuyết trình, tin tức,…
Một trong những dạng thành công nhất của làm video bằng AI là nói về lịch sử, chiến tranh hoặc các anh hùng. Điển hình là kênh Stellars sagas với hàng loạt shorts video triệu view.

Một số công cụ giúp bạn làm tốt video kiểu này:
- Leonardo AI: Tạo ảnh bằng AI với kết quả chất lượng, độ sắc nét và chân thực cao.
- Invideo: Tạo video nhanh chóng chỉ bằng nhập câu lệnh (tuy nhiên cũng cần phải edit lại một chút).
- HeyGen: Biến hình ảnh bất kỳ thành người nói chuyện hoặc thậm chí nhân bản chính bạn.
- Capcut: Biên tập video cho hấp dẫn hơn.
Lưu ý: Khi sử dụng AI để tạo video, hãy đảm bảo nội dung tuân thủ các quy định về bản quyền và đạo đức. Đồng thời, hãy thể hiện sự sáng tạo và cá nhân hóa để tạo ra những video độc đáo và thu hút khán giả.
Một số lời khuyên khi làm kênh YouTube không cần quay Video
Làm YouTube không cần quay video mở ra cơ hội cho tất cả mọi người, nhưng để bật được kiếm tiền và phát triển lâu dài thì không hề đơn giản.
Dưới đây là một số bí quyết quan trọng mà bạn cần chú ý:
- Chọn một ngách phù hợp: Cũng như viết Blog kiếm tiền, làm YouTube thì cũng phải bắt đầu với một ngách mà bạn có kiến thức cũng như am hiểu về nó.
- Chú trọng chất lượng hơn số lượng: Tập trung đem lại giá trị cho người đọc thay vì spam liên tục, nhất là dạng này có nguồn tài liệu rất phong phú.
- Đầu tư vào chất lượng hình ảnh và âm thanh: 2 yếu tố này rất quan trọng để làm cho video trở nên sinh động, thu hút và giữ chân người xem.
- Tối ưu SEO, từ khóa, thumbnail: Những yếu tố này sẽ giúp bạn tăng khả năng được nhiều xem hơn.
- Đừng dính tới reup quá nhiều: Nhất là với hình thức bán content, phần lớn các bạn sẽ tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau sau đó edit một cách sơ sài mà thiếu sự sáng tạo. Từ đó rất dễ bị đánh giá là reup. Tất nhiên bạn sẽ không bật được kiếm tiền và thậm chí bị sập kênh.
Làm thế nào để kiếm ảnh/video chất lượng
Để kiếm ảnh/video phục vụ cho mục đích sáng tạo, có 2 cách cơ bản mà bạn có thể sử dụng.
Cách 1: Cắt từ trên mạng xã hội
Mạng xã hội là một kho hình ảnh, video rất da dạng và cập nhật nhanh chóng, bạn có thể tải về từ những nền tảng như Google, YouTube, Facebook, TikTok, Pinterest,…Tuy nhiên khi tải xuống cần hiểu chính sách về bản quyền để tránh bị kiện.
Với video tốt nhất là chỉ cắt vài khoảnh khắc ngắn sau đó thêm mắm dặm muối cho thành của bạn.
Cách 2: Tải từ các nguồn được cấp phép
Một số website cung cấp rất nhiều tài nguyên miễn phí cho bạn sáng tạo như Pixels, Pixabay, Unsflash, hoặc một số kênh Youtube xác nhận là có thể tải xuống.
Mặt khác nếu có một ít tài chính và sẵn sàng đầu tư thì bạn có thể cân nhắc mua các gói tài nguyên từ những nền tảng như Freepik, Shutterstock, Envato elements, Motion array,..
Tại đây sở hữu nhiều ảnh/video chất lượng và bản quyền nên bạn sẽ không bao giờ sợ bị đánh gậy.
Lời kết
Vậy là bạn đã có một cái nhìn toàn diện về làm YouTube không cần quay video. Hy vọng với một số hình thức mình gợi ý thì bạn đã có được lựa chọn cho riêng mình.
Nhưng hãy nhớ rằng không có cách kiếm tiền nào là dễ, dù không phải quay video thì bạn cũng phải đầu tư chất xám, thời gian, công sức để sản xuất video chất lượng. Bỏ ngay cái tư tưởng không quay là reup video của người khác nhé!
Đừng quên các lời khuyên từ mình và các để kiếm nguồn ảnh, video chất lượng để tránh những vấn đề về bản quyền.
Chúc bạn có được kênh YouTube thành công trong thời gian sớm nhất!
TOP 2: HOTSTING THIẾT KẾ TRANG WEBSITE TỐT NHẤT MÌNH ĐANG SỬ DỤNG
TOP 1: Hostinger: XEM TẠI ĐÂY, Xem video này làm theo nếu bạn chọn mua hostinger(khuyên dùng #1) MÃ GIẢM GIÁ SINHGIANG
TOP 2 : HostArmada: XEM TẠI ĐÂY